Bí quyết có người giúp việc tốt của bà mẹ hai con
Đến bố mẹ đẻ ở cùng còn không tránh được cãi cọ, bất đồng ý kiến, vậy thì cứ bắt lỗi người giúp việc làm gì?
Bài viết dưới đây là chia sẻ cách chọn và giữ chân người giúp việc tốt của chị Nguyễn Thanh Nga, Hà Nội, bà mẹ có hai con trai, một bé 3 tuổi, một bé 6 tháng.
Ngày đầu gặp bác giúp việc, tôi đang hướng dẫn: “Chị ơi, chị lau nhà nhé, chị dọn cho em cái này, cái kia…” thì bác hỏi một câu chẳng liên quan: “Em cho chị hỏi lương trả thế nào nhỉ?”. Đã chuẩn bị trước, tôi cười tươi như hoa: “Bác làm ở nhà cũ lương bao nhiêu rồi thì em vẫn gửi bác bấy nhiêu nhé. Bác làm cho em tốt vào nhá”. “Ừ, chị hỏi để biết. Vậy chị làm việc luôn đây!”, bác nói xong là bắt tay vào dọn nhà, quét nhà, nâng cả cái máy tập to đùng lên để móc máy lau sàn cho sạch, làm vừa khoẻ vừa nhanh. Đúng là bõ công trả tiền cảm ơn cho người giới thiệu đắt gấp đôi.
Tối, bác giúp việc đem CMND đưa cho tôi, bảo: “Cô giữ CMND của chị cho đảm bảo nhé”. Tôi xuề xoà định không cầm nhưng thôi, lưu thông tin cho chắc. Tôi cầm ghi số CMND, hộ khẩu thường trú xong thì trả bác ấy ngay vì sợ làm mất. Bác quá chuyên nghiệp. Hài lòng lần hai.
Vì say xe nên bác ấy ít về nhà, năm về 3-4 lần (giỗ bố mẹ, cưới xin quan trọng…). Tôi mừng quá. Khi thuê người, tiêu chí đầu tiên tôi yêu cầu là ít về nhà. Tôi buôn bán, lúc nào cũng bận, giúp việc về quê hôm nào thì hôm đó tôi quay cuồng trông con, làm việc nhà và việc bán hàng đình trệ ngay.
Trước khi sinh Kem – cậu con trai thứ hai, tôi dặn đi dặn lại: “Em đẻ xong chị nhớ trông Kem giúp để em đánh bụng giảm béo nhé, em ngại nhờ bà nội lắm”. Bác bảo: “Ừ, yên tâm, có gì cứ bảo chị!”. Yêu thế.
Khi đẻ đứa đầu, tôi suýt trầm cảm sau sinh vì hồi ấy chưa có giúp việc, đêm hôm bế con trên tay muốn gãy lưng (cứ đặt xuống là con khóc). Lần này có giúp việc khác hẳn. Tôi trải qua 3 tháng 10 ngày đầu sau sinh nhàn tênh. Bác vẫn đưa đón thằng lớn đi học, làm việc nhà, tôi thì vẫn giảm cân làm đẹp, bán hàng liên tục. Tôi vẫn nói vui, phía sau sự thành công của người phụ nữ luôn có bóng dáng của… người giúp việc “xịn”!
Bí quyết để gặp được người giúp việc tốt của tôi là:
1. Thử việc một tuần, làm tốt thì giữ lại, không thì thêm hẳn mấy ngày công, cho nghỉ luôn.
2. Đừng tiếc tiền cho môi giới. Tôi được mấy bà giúp việc trong xóm giới thiệu, có hẳn cả “hội những người giúp việc” chơi với nhau. Thế nên thay vì trả giá thị trường, tôi trả hẳn giá cao hơn, với yêu cầu: “A. Trẻ khoẻ, ngoài 40 tuổi vì ngoài 50 tuổi là yếu, chậm. B. Ít về quê, 2-3 tháng mới về một lần. C. Đúng hẹn (có bác xin về quê 2 ngày nhưng toàn 3,4 ngày mới lên, lỡ hết việc). D. Nhanh nhẹn, khoẻ mạnh (còn có sức chạy theo cậu con nghịch như giặc). E. Thật thà chịu khó. “Đấy, nhớ tìm người giỏi xịn nhất vào, em trả công gấp đôi (với điều kiện làm một tháng hài lòng em mới trả)”, mình nói với người môi giới.
3. Đừng ky bo chắc lép với người giúp việc, hãy coi họ như họ hàng mình. Ngoài xã hội, ta vẫn hay làm việc thiện với người xa lạ, vậy hà cớ gì phải khó khăn, tính toán với người ở cùng và ngày ngày chăm lo cho con mình?
Tôi hay cho con bác quần áo, thi thoảng nạp thẻ điện thoại. Vợ chồng đi ăn hàng mà bác phải ở nhà trông hộ con thì cho tiền để “bác gọi bát phở ăn cho tiện”. Thế là cả 2 đều vui.
4. Khó tính vừa thôi. Bạn có người đỡ đần việc nhà, chăm con để được nghỉ ngơi thì bạn phải chịu đánh đổi một chút. Có thể họ nấu chưa ngon, chưa hợp khẩu vị thì dạy cho họ, dạy 1-2 lần chưa được thì 3-4… lần. Đừng chê bai càu nhàu. Như bác giúp việc nhà tôi nấu ăn rất mặn, hai vợ chồng tôi phải nói nhẹ nhàng mãi mới sửa được. Đừng soi xét nhau kỹ. Đến bố mẹ đẻ ở cùng còn không tránh được cãi cọ, bất đồng ý kiến, vậy thì cứ bắt lỗi người giúp việc làm gì? Không có ai là hoàn hảo. Nói thật, nếu họ hoàn hảo, thông minh sáng dạ, họ đã có nhiều sự lựa chọn rồi. Vậy nên, hãy dễ tính một chút, cái gì bỏ qua được thì bỏ qua cho dễ sống.
5. Tình cảm luôn xuất phát từ hai phía, điều xuất phát từ trái tim luôn đến trái tim. Tôi dạy con tôn trọng người giúp việc như bác họ, nếu lếu láo, tôi phạt ngay. Nhiều nhà coi thường người giúp việc như kẻ dưới, con hỗn láo với họ cũng mặc. Thế là gián tiếp dạy con khinh người. Tôi thì bảo bác giúp việc phải nghiêm với cháu và cũng phải nhẹ nhàng giải thích lúc cháu sai (mình cũng nói với bác ấy nhẹ nhàng, tôn trọng, tuyệt đối không gắt gỏng, mắng mỏ). Vậy nên, bác ấy thành tâm yêu quý con tôi, vợ chồng tôi. Con cũng quý bác, rất tình cảm, có lần bé còn hỏi: “Mai bác về quê à? Bác về Zin buồn lắm!”. Lúc đó, tôi thấy vô cùng ấm áp. Bác chăm thằng bé như con. Nó ốm bác bế cả ngày, lo lắng xót xa, thậm chí cáu lên: “Xem thế nào cho uống hạ sốt đi, trán nó nóng như hòn than thế này không uống thì đợi đến lúc nào!”, xúc động lắm.
6. Quan tâm đến con cái, người thân của người giúp việc. Giỗ chạp, bác về quê là tôi gửi chút tiền viếng, Tết gửi lì xì cho con bác. Mình quan tâm họ cũng cảm động, thấy ấm lòng. Mình cho đi như thế nào thì sẽ thường được nhận lại như thế. Tôi quý giúp việc như người thân. Tết mua gì cho 2 bên ông bà, tôi cũng chuẩn bị cho bác giúp việc một phần như vậy. Quý chân thành đến nỗi, người ta về quê thấy nhà vắng hẳn, họ lên lại vui như Tết.
Tóm lại, có giúp việc tốt hay không, phần lớn là do người thuê, đừng đổ tội do mình không có số nô bộc.
Trich theo VNexpress (Nguyễn Thanh Nga)